Những năm qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (PCTLPTLP) trên địa bàn Thủ đô luôn được Thành ủy, UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo sâu sát. Hàng loạt chương trình, kế hoạch đã được ban hành như Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 về "Nâng cao hiệu quả công tác PCTN, THTK, CLP giai đoạn 2021 - 2025"; Kế hoạch số 223-KH/TU ngày 25/12/2023 thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí". UBND Thành phố ban hành: Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 08/6/2023 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Nhờ đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khai thác và sử dụng nguồn lực Thành phố được nâng lên rõ rệt, đóng góp thiết thực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, ngay cả trong điều kiện khó khăn như đại dịch COVID-19, thiên tai, biến động kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, tình trạng lãng phí vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động… Đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo; hơn thế, còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của Thủ đô.
Phòng, chống lãng phí: Nhiệm vụ chính trị cấp bách
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động về phòng, chống lãng phí đến năm 2035, xác định rõ: đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, cần triển khai mạnh mẽ, đồng bộ với trọng tâm là phòng ngừa – phát hiện – xử lý nghiêm, đồng thời gắn với các chiến lược cải cách hành chính, chuyển đổi số, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và phát triển bền vững.
Năm quan điểm cốt lõi được xác định gồm:
1. Lãng phí là nguy cơ lớn có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần được kiểm soát chặt chẽ từ gốc.
2. Gắn chặt phòng, chống lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố niềm tin nhân dân.
3. Phòng, chống lãng phí phải kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; gắn kết với cải cách bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
4. Phòng, chống lãng phí phải gắn kết với thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh đầu tư công minh bạch, công khai, hiệu quả; gắn kết nguồn lực của Thành phố với huy động các nguồn lực khác để phát triển Thủ đô..
5. Phòng chống lãng phí phải gắn với 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và gắn kết chặt chẽ với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Mục tiêu đến năm 2035
Chương trình hướng tới mục tiêu chung là Ngăn chặn, đẩy lùi lãng phí, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Thành phố, khơi dậy sức dân, đưa Thành phố cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Các mục tiêu cụ thể bao gồm:
Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu.
Rà soát, khắc phục các bất cập trong pháp luật, tăng cường phòng ngừa, giám sát và xử lý hành vi lãng phí.
Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về thực hành tiết kiệm trong cộng đồng.
Tạo thói quen tự nguyện, tự giác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đời sống hàng ngày.
Nội dung chủ yếu của Chương trình phòng, chống lãng phí đến năm 2035 tập trung thực hiện 08 nhóm nhiệm vụ và giải pháp: Hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí; tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiệu lực, hiệu quả; quản lý, sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực, tài lực hiệu quả, tăng cường tính bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; tập trung giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí lớn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ việc lãng phí; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân trong phòng, chống lãng phí; tăng cường năng lực cho các cán bộ, công chức thực hiện công tác phòng, chống lãng phí.
Chương trình được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất (2025 - 2030) trọng tâm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Rà soát, sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống lãng phí. Tăng cường năng lực và hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi lãng phí và hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể, sơ kết vào năm 2030; Giai đoạn thứ hai (2031 - 2035) kế thừa, phát huy kết quả giai đoạn đầu. Xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu tổng thể. Tổng kết toàn Chương trình vào năm 2036.
UBND Thành phố giao các sở, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan Xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Chương trình và các nhiệm vụ được phân công. Báo cáo định kỳ trước ngày 30/10 hằng năm gửi về Sở Tài chính.
Sở Tài chính có trách nhiệm là cơ quan đầu mối, chủ trì triển khai, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi và đánh giá Chương trình. Định kỳ trước ngày 30/12 hằng năm, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện của toàn thành phố, gửi Chủ tịch UBND Thành phố.