Kế hoạch được xây dựng dựa trên Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 2617/QĐ-BTP ngày 31/12/2024 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý năm 2025.
Với mục tiêu triển khai hiệu quả chương trình trợ giúp pháp lý, tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về các quyền của người khuyết tật, đảm bảo người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Đồng thời, Kế hoạch tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan, đặc biệt là Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước với cơ quan tiến hành tố tụng, và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý.
Ảnh minh họa
Theo Kế hoạch, trong giai đoạn 2025–2030, Thành phố sẽ triển khai đồng bộ các nhóm hoạt động trọng tâm như:
1. Thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý: Tập trung tư vấn pháp luật (dự kiến 100-120 cuộc tư vấn pháp luật tại cơ sở mỗi năm), tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Đảm bảo 100% người khuyết tật thuộc diện được trợ giúp pháp lý được hỗ trợ miễn phí khi có yêu cầu.
2. Truyền thông và nâng cao khả năng tiếp cận: Tổ chức các hoạt động truyền thông về quyền trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, thông qua nhiều hình thức như phát thanh, truyền hình, báo chí và cung cấp tài liệu pháp luật dưới dạng ấn phẩm, băng ghi âm, đĩa ghi âm, USB.
3. Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực: Định kỳ tổ chức các lớp tập huấn cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, cán bộ làm công tác xã hội và người có uy tín trong cộng đồng về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ.
4. Theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra: Tăng cường theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động trợ giúp pháp lý.
5. Trao đổi, học tập kinh nghiệm: Nghiên cứu và học hỏi các kinh nghiệm hay từ các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Kế hoạch được ban hành thể hiện sự quyết tâm của thành phố Hà Nội trong việc cụ thể hóa chính sách an sinh xã hội, đảm bảo quyền con người, đặc biệt là đối với các đối tượng dễ bị tổn thương, tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập và phát triển, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và văn minh tại Thủ đô.