Phát triển phương tiện công cộng xanh – xu hướng tất yếu
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng đô thị xanh, Thành phố đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống xe buýt sử dụng năng lượng sạch. Tính đến giữa năm 2025, Hà Nội đã đưa vào vận hành hơn 241 xe buýt điện và 139 buýt chạy bằng diesel, phân bổ tại các tuyến có lưu lượng hành khách lớn, khu vực nội đô và vùng ven đô.
Việc thay thế phương tiện chạy bằng dầu diesel bằng xe điện không chỉ giúp giảm tiếng ồn, giảm phát thải độc hại ra môi trường mà còn góp phần hiện đại hóa hệ thống vận tải hành khách công cộng theo tiêu chuẩn đô thị thông minh.
Ảnh Minh hoạ
Hướng đến kết nối đồng bộ và nâng cao trải nghiệm người dân
Bên cạnh việc chuyển đổi phương tiện, Hà Nội cũng chú trọng cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ. Các điểm dừng, nhà chờ xe buýt được đầu tư nâng cấp hiện đại, tích hợp bảng điện tử thông báo thời gian chờ, bản đồ số và tích hợp với các ứng dụng giao thông thông minh. Nhiều tuyến xe buýt điện đã được kết nối đồng bộ với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, tuyến BRT và hệ thống giao thông đô thị, giúp hành khách di chuyển thuận tiện, liền mạch.
Sở Xây dựng đã triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong giám sát hành trình, điều phối xe, thu thập dữ liệu hành khách để tối ưu hóa hoạt động vận tải công cộng. Đồng thời, Thành phố cũng khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thông qua các chương trình truyền thông, ưu đãi vé tháng và triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt qua thẻ, app điện thoại.
Định hướng đến năm 2030: Tăng mạnh tỷ lệ người dân sử dụng vận tải công cộng
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ lệ người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng ra tăng và hướng tới chuyển hoàn toàn sang vận tải xanh. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đặt ra một số giải pháp:
Gia tăng số lượng phương tiện vận tải xanh; Triển khai vé điện tử liên thông cho vận tải hành khách công cộng sau thời gian thí điểm. Xây dựng dự án chuyển đổi đầu tư, đổi mới hạ tầng nhà chờ của hành khách công cộng bằng xe buýt khoảng hơn 1000 nhà chờ sẽ được thay thế và đổi mới dự kiến từ năm 2026-2028. Đào tạo, nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ của nhân viên lái xe và bán vé đối với người dân.
Ảnh Minh hoạ
Người dân – trung tâm của chuyển đổi xanh giao thông
Chuyển đổi xanh không chỉ là thay đổi phương tiện mà còn là sự thay đổi trong thói quen và nhận thức của cộng đồng. Với sự đồng hành của người dân, các chính sách giao thông xanh của Thành phố sẽ phát huy hiệu quả thực chất, giảm tải áp lực giao thông cá nhân, nâng cao chất lượng không khí và chất lượng sống cho toàn đô thị. Người dân sẽ được hưởng dịch vụ đồng bộ, chuyên nghiệp.